TÌM KIẾM MỘ PHẦN

NGHỊCH LÝ NGHĨA TRANG

Đăng ngày 02/07/2020

Những ngày này, người công giáo đang hướng lòng về nghĩa trang – Đất Thánh, nơi chúng ta trao gửi thân xác người thân. Cùng chung tâm tình đó, tôi hướng lòng về nghĩa trang để tìm những… nghịch lý ở chốn linh thiêng này.

  1. Người ta vẫn thường có có suy nghĩ: nghĩa trang là nơi vắng vẻ, muộn phiền. Tôi thấy ngược lại: nghĩa trang là nơi đầm ấm và tràn đầy hy vọng. Nơi đây ngày nào cũng có người thăm viếng với nhiều hương hoa. Nơi đây luôn trào tràn niềm hy vọng về cuộc sống đời sau.
  2. Người ta bảo chết là ra đi – cuộc ra đi mãi mãi. Tôi lại thấy chết là ngày về. Trên bia mộ ghi rõ: ngày mất là ngày VỀ NHÀ CHA. Trên bản Cáo phó cũng ghi rõ “Ông/Bà ABC được CHÚA GỌI VỀ”. Về là về mái nhà nên kẻ đi hân hoan, không còn tang tóc, sầu đau. Chữ về cũng làm cho kẻ ở an tâm hơn về cuộc sống mới của người đi. Họ về như người chiến thắng nên trên mộ phần người thân luôn tràn ngập hoa tươi.

  3. Người ta bảo chết là hết. Tôi lại thấy chết là còn, là khởi đầu cuộc sống mới. Nếu chết là hết thì kẻ ở đâu ra nghĩa trang làm gì vì không còn gì ở đó ngoài bộ xương khô cả! Nếu chết là chấm hết thì Trịnh đâu viết “người chết nối LINH THIÊNG VÀO ĐỜI” (mà phải lìa đời chứ). Vì tin vào cuộc sống mới nên kẻ ở mới chăm sóc, thăm viếng mộ phần người thân. Bởi họ cho rằng: đấy không phải là bãi tha ma (như cách gọi của người bên lương), mà phải gọi là Nghĩa trang (mảnh đất NGHĨA TÌNH- nghĩa tình giữa kẻ ở người đi) hay cách đặc biệt hơn là nơi an nghỉ của các vị Thánh nhân – Đất Thánh.

  4. Người ta bảo người Công giáo không tưởng nhớ tổ tiên! Ở đây tôi thấy người công giáo luôn được khuyên bảo và thường xuyên thực hành việc kính nhớ tổ tiên- không chỉ riêng ngày giỗ mà còn cả ngày mồng 2 Tết cổ truyền và cả tháng 11 nữa. Hãy ghé thăm một nghĩa trang công giáo trong những ngày này bạn sẽ nhận ra chân lý trên.

***
Vài tâm tình về nghĩa trang cũng là tâm tình dành cho người quá cố của chúng ta. Xin Chúa thương đón nhận các Ngài về hưởng vinh phúc muôn đời. Amen