TÌM KIẾM MỘ PHẦN

NGÀY VỀ… BẤT NGỜ!

Đăng ngày 02/07/2020

Chưa có thống kê cụ thể nhưng tôi tin rằng NGÀY VỀ là một trong những bài hát được cất lên nhiều nhất trong các dịp tang chế của người Công giáo. Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Công giáo nổi tiếng – Linh mục Kim Long.

  1. Cha Kim Long viết nhạc phẩm này từ gợi hứng của Thánh vịnh 125 để cảm tạ Thiên Chúa khi Chúa cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ, thoát khỏi cuộc sống lưu đày ở Babylon. Do vậy mà nhạc phẩm có những ca từ như “Khi dân Sion qua khỏi kiếp lưu đày, con vẫn cứ như còn sống hoài giấc mơ triền miên” hay “Bao nhiêu anh em lưu lạc chốn quê người, xin Chúa dẫn đưa về như dòng nước xuôi miền Nam” và đặc biệt là “Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng, đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa muôn lời ca”. Những ca từ này vừa là nỗi niềm của dân Do Thái xưa, và cũng là nỗi niềm của mỗi kiếp người chúng ta.

  2. Ban đầu dầu tác giả không có ý sáng tác bài hát này cho người chết nhưng do có sự tương thích nên đứa con tinh thần này lại… đi nhầm sang địa hạt “cầu hồn”. Thật ra, bài hát này được viết ra để nói lên tâm tình của một người con đi xa chủng viện, mong chờ ngày được quay về. Cũng có thông tin cho rằng: Linh mục nhạc sĩ Kim Long viết bài này để nói lên tâm tình của một Thầy Phó tế khi nhận được tin về ngày Thụ phong Linh mục. Thật lạ là với tâm tình nào thì ca từ và giai điệu bài hát vẫn có sự phù hợp.

  3. Không những “đi nhầm” địa hạt, bài hát này còn được nhiều người chế thêm những câu vui vui, ngồ ngộ. Chẳng hạn, các ông chồng chêm thêm chữ VỢ để hát rằng “Khi Chúa thương gọi VỢ con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ’. Đúng là chỉ có… mơ mới dám hát vậy! Hihi
    Nhân tháng Linh hồn, chia sẻ vài thông tin thú vị liên quan đến NGÀY VỀ nhé cả nhà. Tiếp tục cầu nguyện cho các Linh hồn ân thân nhân qua khỏi lửa luyện ngục được lên Thiên Đàng.